Mãi mãi một tình yêu

welcome

Trần Đức Thuận! Chào các bạn đã ghé thăm BLOG của mình.Chúc các bạn một ngày mới vui vẻ, hạnh phúc và những điều may mắn sẽ đến với các bạn.

Kiểm định chất lượng ĐH: Trường “tốp trên” đều không đạt!


Người học cần được thông tin đầy đủ về chất lượng các trường ĐH - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

* Bộ chưa muốn công bố chi tiết!



Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) đã hoàn tất việc kiểm định 20 trường đại học (ĐH) đầu tiên của Việt Nam. Kết quả đánh giá về 20 trường ĐH này cho thấy các trường đều không đạt.

Kết quả kiểm định cho thấy các trường ĐH còn phải đầu tư khắc phục nhiều khuyết điểm mới có thể theo kịp các trường ĐH của các nước khác trong khu vực và trên thế giới.

Trình độ ngoại ngữ giảng viên chưa đạt yêu cầu

Kết quả đánh giá cho biết các trường bình quân chỉ mới đạt được hơn 80% yêu cầu của tiêu chí về chương trình đào tạo. Yêu cầu “Chương trình đào tạo được định kỳ bổ sung, điều chỉnh...” là một yêu cầu quá khó đối với các trường ĐH của nước ta hiện nay, trên thực tế ít trường đạt được. Thậm chí có 3/20 trường ĐH mới chỉ đạt khoảng 50-60% yêu cầu của các tiêu chí.

Bộ chưa muốn công bố chi tiết!

Trao đổi với PV Báo Thanh Niên về việc tại sao Hội đồng quốc gia kiểm định chất lượng giáo dục đã họp từ tháng 2.2009 nhưng đến nay kết quả kiểm định 20 trường vẫn chưa được công bố, ông Phạm Xuân Thanh - Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết: hiện nay Hội đồng kiểm định quốc gia đã có báo cáo trình lãnh đạo Bộ để xem xét quyết định công bố kết quả. Tuy nhiên đến nay lãnh đạo Bộ chưa có quyết định nên chưa thể công bố. Ông Thanh cũng cho biết: kết quả kiểm định được công bố ở mức nào, có công bố chi tiết về các trường hay không cũng sẽ do lãnh đạo Bộ cân nhắc, quyết định.

Nhiều giảng viên được đào tạo ở nước ngoài nhưng vẫn chưa phát huy hết khả năng và vai trò của mình trong việc góp phần điều chỉnh và cải cách chương trình đào tạo theo hướng hiện đại hóa, quốc tế hóa. Bên cạnh đó, trình độ ngoại ngữ của phần lớn giảng viên và sinh viên (SV) tốt nghiệp ĐH hiện nay còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu giao tiếp và đọc tài liệu nghiên cứu.

Vẫn còn hiện tượng đọc - chép

Về hoạt động đào tạo của các trường, báo cáo cho rằng: đổi mới phương pháp giảng dạy và học là yêu cầu cấp bách đối với các trường ĐH. Nhiều trường ĐH đã quan tâm tới việc này nhưng vẫn chưa làm thay đổi được thực trạng chung, vẫn còn hiện tượng đọc - chép.

Kết quả đánh giá cũng cho thấy: chỉ duy nhất 1/20 trường được công nhận là “Tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ đi vào ổn định” (trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM); chỉ 8 trường được công nhận là “thông qua đồng nghiệp và người học, định kỳ đánh giá hiệu quả các phương pháp giảng dạy...”.

Báo cáo nhấn mạnh: Vấn đề đặc biệt cần lưu ý là sự hài lòng của SV về chất lượng dạy trong các trường, mặc dù tất cả 20 trường đã tổ chức nhiều hoạt động cải tiến chất lượng giảng dạy nhưng kết quả khảo sát khẳng định SV không hài lòng với chất lượng giảng dạy của trường. Điều này được các trường lý giải do tình trạng quá tải về số lượng SV trong các lớp tại các trường ĐH hiện nay, giáo trình không đủ về số lượng, chủng loại và không được cập nhật, giảng viên ít nghiên cứu khoa học nên kiến thức không sâu và thiếu cập nhật.

Liên kết đào tạo chạy theo số lượng

Báo cáo cũng cho biết một số hoạt động liên kết đào tạo có yếu tố nước ngoài chưa tuân thủ các quy định chung như: không đảm bảo đầy đủ tính pháp lý của đối tác, giá trị của văn bằng và chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu.

Trong các trường ĐH tham gia kiểm định chất lượng có những trường lớn như: ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG Hà Nội); ĐH Sư phạm Hà Nội; ĐH Kinh tế quốc dân; ĐH Nông nghiệp 1; ĐH Thương mại; ĐH Ngoại thương; ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM); ĐH Sư phạm TP.HCM; ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng); ĐH Nha Trang; ĐH Đà Lạt; ĐH Cần Thơ...
Kết quả khảo sát 20 trường ĐH đều cho rằng hợp tác quốc tế của nhà trường đã có những đóng góp tích cực tới việc cải thiện chất lượng giảng dạy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như trình độ chuyên môn và ngoại ngữ của cán bộ, giảng viên... Tuy nhiên, việc liên kết đào tạo vẫn còn một số tồn tại như: công tác quản lý chưa có những quy định chặt chẽ nên các liên kết đào tạo chạy theo số lượng, dẫn đến chất lượng của một số chương trình liên kết chưa đạt yêu cầu về chuẩn mực đào tạo. Cá biệt, có chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ nước ngoài nhưng giảng dạy bằng tiếng Việt và chỉ học trong vòng 10 tháng!

Không đủ diện tích lớp học

Kết quả đánh giá ngoài do Cơ quan Giáo dục ĐH chuyên ngành (HBO raad) của Hà Lan và Cơ quan Khảo thí ETS Hoa Kỳ triển khai thực hiện khẳng định: các trường ĐH hầu như không đảm bảo đủ diện tích lớp học theo quy định về các tiêu chuẩn thiết kế trường học. Ký túc xá cho người học và sân bãi cho các hoạt động văn hóa, thể thao mới chỉ đáp ứng được phần nào các yêu cầu chung.

Một khảo sát gần đây của Vụ Giáo dục ĐH cho thấy trong số 284 trường ĐH, CĐ báo cáo thì diện tích đất bình quân của các trường là 22,24 ha/trường và xấp xỉ 70m2/SV của các trường đó. Tuy nhiên vẫn còn có 10 trường ĐH và 17 CĐ có diện tích đất dưới 10 ha/trường và bình quân 2,67m2/SV.

Diện tích dành cho 1 SV đạt 57,5m2 ở Hà Nội và 49,7m2 ở TP.HCM. Báo cáo kết quả kiểm định của phía nước ngoài cho rằng: không có lý do gì để tồn tại những trường có diện tích quá bé (dưới 1 ha) hoặc diện tích đất/1 SV quá ít (dưới 2,67m2/SV).

0 nhận xét:

Đăng nhận xét